Lịch sử thành phố Quy Nhơn

LỊCH SỬ HÀO HÙNG CỦA THÀNH PHỐ QUY NHƠN

Ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có một miền đất mang tên Bình Định, từng được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của nhà Nguyễn thế kỷ 19 ca ngợi là chốn nhân dân đông, phẩm vật nhiều, thuyền xe tụ tập, buôn bán đông vui, trong ngoài sông núi bao vây, đánh hay giữ, hai đường đều tiện. Trung tâm của miền đất ấy nay là Thành phố Quy Nhơn.

Quy Nhơn là Thành phố của tỉnh Bình Định. Nếu như Bình Định có đa dạng các loại địa hình với núi đồi, cồn cát, đồng bằng và bãi bồi ven biển thì Thành phố Quy Nhơn nằm trên chính phần đất đồng bằng ven biển, bao gồm cả bán đảo Phương Mai và các đảo ven bờ, trong đó có Cù Lao Xanh nổi tiếng.

Cho đến nay, thông qua các đợt khai quật khảo cổ học người ta đã xác định được cách đây trên 2000 năm trên vùng đất Bình Định ngày nay đã có cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống. Từ đầu Công nguyên (năm 192) trên dải đất miền Trung Việt Nam đã hình thành một nhà nước cổ đại, đó là Nhà nước Chăm-pa. Nhà nước Chăm-pa được xây dựng trên một nền tảng văn hóa hết sức rực rỡ, nó kế thừa những thành tựu của nền văn hóa Sa Huỳnh trước đó, đồng thời tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa cùng nhiều yếu tố của các nền văn hóa khác trong khu vực. Nhà nước Chăm-pa với sự khởi nguồn từ năm 192 đã kết thúc vai trò lịch sử riêng của mình vào nửa cuối thế kỷ XVII, chấm dứt sự tồn tại đầy oanh liệt của mình trong suốt 16 thế kỷ.

Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam với gần 5 thế kỷ giữ vai trò trung tâm của nhà nước Chăm-pa, mặc dù có nhiều bước thăng trầm, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng văn hóa Chăm-pa ở đây vẫn phát triển cho đến khi nhà nước Chăm-pa mất vai trò lịch sử. Dấu tích văn hóa của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, nhiều về số lượng và trở thành đối tượng quan trọng trong việc tiếp tục nghiên cứu khảo cổ về Bình Định.

Trong lịch sử phát triển của Quy Nhơn, thế kỷ 15 đánh dấu một sự kiện quan trọng, đây chính là thời điểm người Việt bắt đầu tiến vào định cư, sinh sống tại đất Quy Nhơn xưa và mang theo văn hoá đền, chùa của các làng Việt cổ truyền để tạo dựng trên mảnh đất mới.

Quy Nhơn Map
Quy Nhơn Map

Tháng 7 năm 1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.

Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn.

Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh.

Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn.

Tháng 3 năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế

Từ năm 1793 – 1799, thành Hoàng Đế đổi thành phủ Quy Nhơn dưới vương triều Cảnh Thịnh, cũng là bước đường suy yếu của Tây Sơn.

Từ năm 1799 – 1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.

Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.

Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập.

Ngày 30/8/1899, Thị xã Quy Nhơn được thành lập.

Ngày 30/4/1930, Thị xã Quy Nhơn được nâng cấp lên Thành phố.

Tháng 10/1975, Quy Nhơn là Thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Nghĩa Bình

Tháng 7/1986, Thị xã Quy Nhơn được mở rộng nâng cấp thành Thành phố Quy Nhơn.

Trong thực tế tồn tại và phát triển nhiều năm qua với những ưu thế về vị trí địa lý giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị phát triển, Quy Nhơn đã và đang chứng minh vai trò, vị thế là một trong ba Trung tâm Thương mại du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ cùng với Đà Nẵng và Nha Trang. Tương lai của Quy Nhơn được nhìn nhận, đánh giá khả quan và luôn không tách rời khỏi một trong những đặc điểm thuận lợi của Thành phố này, cũng như của tỉnh Bình Định.